Tạ Tốn chửi Trời Tạ_Tốn

Trong thời kỳ Tạ Tốn điên loạn trên biển khơi, ông đã nói ra hết cái phẫn uất to lớn mà bao năm phải kìm nén trong người. Ở đoạn này, Kim Dung đã dùng bút pháp ấn tượng, nhưng cũng hoạt kê, để thể hiện tính khí ngang tàng, và cũng thể hiện mối thù sâu xa của Tạ Tốn đối với cuộc đời, nơi đã dành cho ông những bi kịch nhân sinh quá lớn:

"Chỉ nghe Tạ Tốn luôn mồm chửi bới, từ Trời đổ xuống, kế đến Tây Phương Phật tổ, Đông Hải Quan Âm, Ngọc hoàng trên trời, Diêm vương dưới đất. Sau đó y lại chửi đến Tam Hoàng, Ngũ Đế, Nghiêu Thuấn Thang, Tần hoàng, Đường Tông, văn thì cả Khổng Mạnh, võ thì đến Quan Nhạc bất kể thánh hiền anh hùng nào cũng đều bị y chửi không còn sót một ai. Tạ Tốn là một người tương đối có học, cho nên khi y chửi bới, Trương Thúy Sơn nghe cũng có chiều văn vẻ...""Đột nhiên, Tạ Tốn chửi tới các nhân vật võ lâm, bắt đầu từ Hoa Đà sáng tạo Ngũ Cầm Hí, tới Đạt Ma tổ sư của phái Thiếu Lâm, Nhạc Võ Mục thần quyền tán thủ, đều bị y coi không ra gì. Có điều không phải y chỉ chửi suông, mà mỗi nhà mỗi phái y đều vạch những khuyết điểm, chỗ nào sai sót, đâu ra đấy. Y đi từ đời Đường xuống đời Tống rồi chửi tới những người đời cuối Nam Tống như Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, Trung Thần Thông, rồi tới Quách Tĩnh, Dương Quá, rồi sau cùng tới tổ sư phái Võ Đang Trương Tam Phong..."

Đối với ông Trời, niềm tin tối thiểu của bất kỳ ai trong những lúc cùng quẫn nhất, thì Tạ Tốn, người đã trải qua quá nhiều những điều do mệnh trời mang đến, đã không chút tin tưởng, nên cũng không còn nể nang. Ông gọi trời là "Lão tặc thiên" (lão giặc trời), thậm chí, khi nghe Thúy Sơn nói về sự phụ thuộc mệnh trời của họ, ông mắng:

"Cái gì mà ông trời, đồ chó trời, đồ giặc trời, đồ ăn cướp trời thì có. " [1]

Những đoạn văn như vậy, nói lên được nỗi đời của Tạ Tốn, cũng làm người ta suy ngẫm về thân phận nhỏ bé, yếu đuối của con người giữa cuộc đời quá bạt ngàn, lớn rộng.